Mệt mỏi với áp lực công việc, tôi muốn tìm một nơi nào đó không xa Hà Nội để tìm cho mình cảm giác yên tĩnh trong 2 ngày cuối tuần. Anh bạn đồng nghiệp hớn hở: “Mộc Châu đi ông, vùng đất du lịch còn nguyên sơ nhất miền bắc này đấy”. Thế là, rũ bõ những ồn ào phố thị, một mình một “ngựa”, rong ruổi lên Tây Bắc.



Sau chừng 4 tiếng đồng hồ, Mộc Châu hiện ra trong những làn sương khói mơ hồ, khi mỏng manh vắt trên sườn núi, khi dày đặc che hết cả con đường trước mắt. Vượt qua màn sương ấy, khuôn mặt ướt nhoèn chợt sáng bừng lên. Phải nói là ngỡ ngàng, mới đầu đông mà hai bên đường những vườn đào đã nở rực rỡ rồi. Có đất nào kỳ như đất ấy không? Những cánh đào phớt hồng long lanh dưới những giọt sương trong veo. Bức tranh xám xám của mùa đông xứ lạnh được những ngọn đuốc hoa thắp lên màu hồng tươi tắn.

Dừng chân bên một quán ven đường, người chủ niềm nở giới thiệu các món ăn đặc sản: nào cá suối, nào bê chao, nào xách bò đen, lợn bản…. Vừa thưởng thức các món ăn là lạ vừa mơ hồ nhìn xuống dưới thung lũng phía dưới mà thấy mát lòng bởi sự trù phú của vùng đất này. Một bên là những đồng lúa đang chín vàng ươm chờ thu hoạch, phía bên kia những đồi chè xanh chạy tít tắp đến tận cuối trời. Sau bữa ăn ngon, chủ quán cho vài lời khuyên về những điểm cần đến trong chuyến chu du này.



Tìm về phố huyện, ngỡ như mình đang đi giữa thiên đường hoa. Hai bên đường, ngoài hoa đào ra còn thấy hoa trạng nguyên khoe mình rực rỡ, hoa dã quỳ hoang dại e ấp, chúm chím vàng, rồi những đồng hoa cỏ cải trắng ngần, hoa ngũ sắc tím hoang hoải. Có lẽ chẳng ngôn từ nào đủ sức diễn đạt hết các sắc độ của những đồi hoa ấy. Nó khiến tâm hồn mê mẩn, say sưa theo đuổi một ý nghĩ lãng mạn nào đó. Đi hết con đường hoa ấy, phố huyện hiện ra trong veo dưới nắng đông. Đi chừng 3 km nữa, tìm đến bản Áng với hồ rừng thông mộng mơ và những bản làng của người Thái trắng. Không khí trong lành, tiếng chim khướu, họa mi lảnh lót giữa rừng cây, hồ nước khiến lòng thư thái.

Theo bước chân những thiếu nữ đi nương về, tôi vào bản Áng thăm những ngôi nhà sành sạch sẽ, xinh xắn tìm hiểu thêm về nghề thủ công của bà con. bản Áng còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống đan lát, làm đệm bông gạo, đặc biệt là dệt thổ cẩm. Bàn tay “trắng nõn như búp măng” khéo léo của các cô gái Thái xinh đẹp, cần cù dệt nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế, đa dạng. Cũng thật bất ngờ khi nghề dệt ở đây đang được đầu tư phát triển hình thành làng nghề gắn với du lịch.



Bà Hoàng Thị Inh, tổ trưởng tổ dệt của Hợp tác xã cùng một xã viên khác đang miệt mài bên khung cửi, con thoi chạy vun vút xen kẽ những sợi chỉ xanh vào những sợi trắng. Hoa văn, họa tiết dần hiện ra trên tấm vải. Bà cho biết: đã lâu rồi bản mới lại nhộn nhịp tiếng thoi như thế này. Tham gia HTX không chỉ có thêm một khoản thu nhập mỗi tháng, quan trọng là còn giữ được nghề truyền thống của cha ông mình. Hiện nay, mỗi tháng bà dành khoảng 10 ngày dệt vải theo đơn đặt hàng, nếu không bận mùa màng, bà làm thêm vải trắng, làm diềm cho những người làm đêm bông gạo. Từ những sản phẩm truyền thống như khăn piêu, áo cóm, túi xách, rèm cửa, khăn trải bàn tới những con gấu nhồi bông xinh xắn, những chiếc ba lô, túi xách, ví, túi đựng giấy ăn của cuộc sống hiện đại được làm hoàn toàn bằng chất liệu thổ cẩm, vải của người Thái, trông rất bắt mắt. Ông chủ nhiệm HTX nhất quyết giữ lại uống rượu. Cuộc vui lớn dần bên những chén rượu ngô nồng ấm và sự hiếu khách của gia chủ. Những chén suột tà nu (chén rượu đầy phải lồi lên như mắt chuột) liên tục nâng lên, đặt xuống xen kẽ với những cái bắt tay chân thành, ấm áp. Ngoài kia, bên ánh lửa bập bùng cạnh rừng thông vài đoàn du khách đang vui tươi trong vòng xòe đoàn kết với đội văn nghệ của bản. Tiếng hát theo gió tràn qua rừng thông thơm nồng quyện vào nhau nghe tha thiết, tình nghĩa thế:

Tay trong tay đêm nay

Chân bước đi rộn ràng

Em bâng khuâng trong điệu xoè

Để lại hơi ấm bàn tay

Tay trong đêm nay

Lòng xao xuyến bồi hồi…

Chia tay bản Áng, tấm khăn piêu trong ba lô mang nặng tấm chân tình, sự hiếu khách và cả những cái xiết tay trong điệu xòe đêm hội. Gửi lại một phần tâm hồn mình, tôi đi thẳng vào bản Tà Phình, nơi anh bạn bật mí rằng người Mông chất phác và quý người lắm. Đường vào bản không khó khăn như tôi nghĩ. Hơn 20km đường đều được trải nhựa phẳng phiu, dọc đường những đồng cỏ rộng bát ngát, thi thoảng mới thấy một trang trại nuôi bò. Biết thế bởi thấy hàng chục con bò khoang nhởn nhơ gặm cỏ trong sân trại. Những đồi chè thâm thấp nối tiếp nhau xanh rờn, hương chè ngan ngát như lôi kéo, buộc tôi phải dừng lại chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm. Những sóng chè ấy cứ trải dài mê mải tới cuối chân trời. Giữa hàng tỷ búp chè non xanh vươn lên, thấp thoáng những người công nhân hái chè với áo xanh nón trắng, thấp thoáng những căn nhà xinh xắn giữa thảo nguyên mênh mông, xa xa là những rặng núi xanh quyến rũ.

Sau đồi chè, bản Tà Phình hiện ra với những vườn mận thấp thoáng những chùm hoa nở sớm. Bản lặng lẽ quá! Có lẽ đàn ông đi nương cả, chỉ thấy phụ nữ và trẻ nhỏ ngồi ngay cửa, hoặc quây quần dưới gốc mận trong vườn nhà tay kim, tay chỉ. Dăm bảy người phụ nữ, thêm vài bé gái nữa thành những nhóm nhỏ vừa thêu khăn, khâu áo vừa trò chuyện rối rít. Khung cảnh đẹp quá, những áo váy sặc sỡ quá, nhưng hễ giơ máy ảnh lên là mọi khuôn mặt đều quay đi, hoặc bị che bằng những tấm áo đang thêu dở. Chỉ những người đàn ông và bé trai là cực kỳ dễ gần. Họ sẵn sàng tươi cười giới thiệu và mời bạn vào nhà uống rượu, kể cho bạn nghe về những phong tục, trò chơi trong ngày tết của họ, cho bạn chụp ảnh và thậm chí đòi xem ảnh. Anh Thào Vả Mua chân thành mời:ít nữa vào đây ăn tết với nhà mình. Ở đây vui lắm, thịt lợn, giã bánh dày, ném pao, đá bóng nữa. Đã xem mấy bức ảnh anh bạn chụp tết năm vừa rồi tại đây, tôi cảm thấy thèm thuồng, những vườn mận trắng xóa, những bộ áo quần xanh đỏ sặc sỡ, lấp loáng ánh nắng từ những đồng bạc trắng… tất cả hòa nhịp trong không khí xuân căng tràn sức sống. Chắc chắn, xuân này tôi sẽ lại rủ bạn lên.



Chia tay Mộc Châu, như chia tay một cô gái đẹp, dịu dàng, thơ ngây. Không phải giữa đại ngàn xa xôi, trập trùng mây núi mà em vẫn giữ được vẻ thuần khiết, chất phác. Em mến khách, giữ khách, mời khách một cách chân tình, mộc mạc. Tôi đã yêu em và mong một lần được trở lại, Mộc Châu ơi!