Thời hoa đỏ là bài thơ của nhà thơ Thanh Tùng đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc. Năm 1993, bài hát này được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và năm 1995 được giải thưởng của Hội Âm nhạc Việt Nam.
Bài thơ được Thanh Tùng sáng tác năm 1973, giữa thời kỳ chiến dịch Quảng Trị, kỷ niệm mối tình với người vợ đầu chia tay ở Hải Phòng. Người vợ đầu của Thanh Tùng ở Hải Phòng đã chia tay ông đi lấy người khác ở Quảng Ninh. Tuy chia tay nhau nhưng Thanh Tùng vẫn yêu thương người vợ này. Khi nghe tin bà mất, ông xuống Quảng Ninh viếng bà. Nỗi bi thương về cuộc tình đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ Thời hoa đỏ ra đời.
Trong lời bài hát chỉ nói chung chung là hoa đỏ, nhưng, ở đất Hải Phòng của Thanh Tùng, thành phố Hoa Phượng Đỏ thì ta ngầm hiểu đây là nói về hoa phượng. (wikipedia)

‘Thời hoa đỏ’ 

Có lẽ là một trong những bài thơ tình viết trong thời cách mạng đẹp và buồn, và có thể nói là bài thơ được đông đảo thanh niên, thiếu nữ say mê và ghi nhớ nhất. Bài thơ đỏ, đỏ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đỏ từ hình ảnh những bông hoa như mưa rơi rơi, đỏ từ nỗi say mê của thiếu nữ, đến đỏ màu máu-ứa một thời trai trẻ, và thậm chí đỏ rực của cả sự lặng-im.
Thông thường, khi nói về cái hay của bài thơ hoặc ca khúc nào đó, người ta hay bỏ qua phần hoàn cảnh sáng tác, đơn thuần vì nó chán ngắt và tẻ nhạt. Nhưng đôi khi, chính việc hiểu cái phần tẻ nhạt ấy lại giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc về bài thơ hơn. Nhà thơ Thanh Tùng viết ‘Thời hoa đỏ’ vào năm 1973, giữa thời kì chiến dịch Quảng Trị, để kỉ niệm mối tình với người vợ đầu chia tay ở Hải Phòng.

Vợ cũ của Thanh Tùng tên Nhàn, là người nổi tiếng có nhan sắc, sau bỏ ông đi lấy người khác ở Quảng Ninh. Khi nghĩ về chuyện hai người, Thanh Tùng hay bảo “đến với nhau bắt đầu và kết thúc cũng vì thơ”. Tuy chia tay nhau, nhưng nhà thơ vẫn yêu bà nhiều lắm. Khi nghe tin bà mất vì bị bệnh tim, ông tức tốc xuống Quảng Ninh để tiễn đưa bà lần cuối. Nỗi bi thương về sự xa cách, cùng sự tiếc nuối về một cuộc tình đẹp nhưng không thành đã trở thành nguồn cảm hứng để Thanh Tùng viết bài này, bài mà theo ông là nỗi đau tột cùng thăng hoa thành định mệnh của đời tôi, thành tên gọi của Thanh Tùng.

Thời chiến tranh, con người ta có thể bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền, những vụn vặt hằng ngày vì còn hy sinh cho những lý tưởng cao đẹp về độc lập - tự do của dân tộc, nhưng tình yêu giữa con người với con người thì chẳng thời nào không có, chẳng điều gì ngăn cản được (kể cả cái chết). Hơn thế những cuộc tình thời chiến còn đẹp hơn nữa và phi lý đến lắm í... Có những điều mà khi thế hệ chúng ta nghe nói lại, bỗng thấy tưởng chừng như chính bản thân những con người đầy lý tưởng vào thời kì đó mới có thể làm được. Thanh Tùng từng kể, giữa thời kì chiến tranh ác liệt vào năm 1967, ông vẫn hằng ngày chạy từ Hải Phòng xuống Vĩnh Bảo, chỉ để gặp cô ấy, nói với nhau vài câu rồi quay trở lại, sáng hôm sau còn làm việc. Mối tình của thời bom đạn, chỉ có thế thôi, ấy vậy mà đọng lại mãi.

Cảm nhận “Thời hoa đỏ“


Nhà văn Nga Iuri Bonđarep đã gọi thời thơ ấu là những năm vàng và ông phải thốt lên: phải chăng hạnh phúc đó là những kỷ niệm không thể sống lại… và không bao giờ chúng ta có thể trở lại với mối tình thơ trẻ ngày xưa? Trong tôi cũng có nguyên vẹn cảm xúc này khi đọc Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng. Những câu thơ được viết ra thật giản dị, tự nhiên mà sao cứ xoáy sâu vào lòng người:

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên…

Cuộc sống có nhiều bộn bề nhưng có khi lắng lại, ta chợt bắt gặp mình đang day dứt, nuối tiếc về một ngày xưa ta đã quá dại khờ, nông nỗi, và mỗi mùa hoa ghi dấu những kỷ niệm cứ đến mùa lại trở về như nhắc nhớ làm xáo động tâm can:
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim

Ngẫm lại chính chúng ta cũng không hiểu vì sao ngày ấy lại chia ly, lại giận hờn để bây giờ:

Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót

Bao nhiêu năm đã trôi qua, tưởng là từng trải nhiều sẽ rắn rỏi hơn, nhưng không, tâm hồn ta vẫn rất mỏng manh khi đối diện với lòng mình, với những tình cảm thực nhất:
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Khi người ta còn trẻ, người ta cứ tưởng rằng có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình, vì nghĩ rằng tất cả còn ở phía trước và những điều tốt đẹp nhất còn có thể gặp lại ở tương lai. Cũng có thể. Nhưng cũng có khi ta đâu có ngờ những gì ta muốn tìm kiếm nhất trong cuộc đời này nó chỉ đến một lần, và không bao giờ ta còn cơ hội lần thứ hai để mà sửa chữa.



Thời hoa đỏ đem đến những cảm xúc mãnh liệt và dai dẳng. Nhà thơ Thanh Tùng nói bài thơ là chính cuộc đời của ông, ông đã viết bằng máu thịt của mình. Tôi tin rằng đó không chỉ là cuộc đời của ông, mà còn là cuộc đời của rất nhiều người.
Tôi từng biết có rất nhiều người yêu Thời hoa đỏ đến mức phải dùng từ “hội chứng” (theo nghĩa dễ thương của từ này) mới diễn tả hết được.

Bài thơ nói về sự xót xa, nuối tiếc (không chỉ là nuối tiếc một mối tình không thành, mà còn là sự nuối tiếc về một thời tươi trẻ nhất, đẹp đẽ nhất đã trôi qua của một cuộc đời), vậy mà khi đọc nó, người ta lại cảm nhận được mình đang hạnh phúc đến tận cùng vì cái cảm giác được chia sẻ.

Nhà thơ Thanh Tùng nói, bài thơ là niềm đau của ông, nó đọng lại ở bốn câu:

Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Tôi không ngụy biện, nhưng tôi cho rằng yêu được có khi còn hạnh phúc hơn cả được yêu… Bởi vì được mất trong cuộc đời này đôi khi thật phù du, chỉ những tình cảm trong lòng mình là có thực và không phải cứ muốn mà có được. Những gì ta yêu quý thì không bao giờ phai nhạt.
tổng hợp từ >> wiki - xanhduong.com - blog yume

Coi video ca khúc Thời Hoa Đỏ