Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại vị thế mới cho Thị trường chứng khoán Việt Nam đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư. Thực tế, quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Tại sao phải nâng hạng thị trường? Nhà nước và các thành viên tham gia cần nỗ lực và quyết tâm như thế nào?

Đôi nét về nâng hạng thị trường Việt Nam


Hiện nay, việc xếp hạng TTCK được thực hiện bởi 3 tổ chức chính: MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones.


Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Hệ thống tiêu chí đánh giá của các tổ chức đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn,...


Về cơ bản, các tổ chức phân chia thị trường chứng khoán tại các quốc gia thành 4 hạng:

(i) Thị trường phát triển (Developed Market - DM)

(ii) Thị trường mới nổi (Emerging Market - EM)

(iii) Thị trường cận biên (Frontier Market - FM)

(iv) Thị trường đơn lập (Standalone Market – SM)


Hiện tại theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thấp nhất là Frontier Market. Trên thực tế FTSE Russel đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên Thị trường mới nổi vào năm 2018.

Lợi ích của việc nâng hạng thị trường


Xét về quá khứ, giai đoạn ban hành Nghị định 60/2015 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% hay vào thời điểm FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi (2018), thanh khoản thị trường đều có sự cải thiện so với quý trước đó. Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài cũng phần nào sôi động hơn, và tổng cộng Việt Nam đã thu hút được tổng khoảng 135 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 7/2015 – tháng 12/2019 – thời điểm trước khi dịch Covid bùng phát.


Các thị trường mới nổi từ lâu đã là điểm nóng thu hút đầu tư, đặc biệt với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm kỳ vọng mức sinh lời cao. Nhờ vậy, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cũng thu hút được lượng vốn khổng lồ.

Dòng tiền đổ vào Việt nam khi được nâng hạng là chắc chắn. Sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt nam do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch đã lên một tầm cao mới. Đây mới là yếu tố hấp dẫn mang tính dài hạn của TTCK Việt Nam.

II. Các tiêu chí để được nâng hạng TTCK


Tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam. Điểm chung của cả hai tổ chức xếp hạng này là Việt Nam hiện đang thiếu những điều kiện tiên quyết về hoạt động thanh toán bù trừ (và việc chuyển giao đối ứng thanh toán).

Cập nhật tiến độ của hệ thống KRX


Theo kế hoạch của Nhà thầu KRX, phía Việt Nam đã tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối ngày 15/12 để sẵn sàng triển khai.

Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án và chuẩn bị hệ thống sẵn sàng đi vào vận hành vào cuối năm 2023. Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán cho biết, đối với các Thành viên thị trường chưa sẵn sàng kịp tiến độ, thì sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để có biện pháp nhằm hoàn thành dự án theo mục tiêu chung.

III. Việt Nam cần làm gì để nâng hạng?


Nâng hạng thị trường là một quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như khung pháp lý:

(1) Về phía cơ quan quản lý và các yếu tố pháp lý, cần có một sự điều chỉnh hài hòa các luật liên quan tới đầu tư và giao dịch chứng khoán để có thể hỗ trợ được nhà đầu tư.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch. Do vậy, việc thỏa mãn yếu tố này (hoặc có thể ít nhất thực hiện giao dịch ký quỹ cho các NĐT nước ngoài) nên được được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu của NĐT nước ngoài.

Cùng đó, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch này được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán. Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên trong đó về phía các cơ quan quản lý

(2) Vai trò của các CTCK, Ngân hàng lưu ký và thanh toán là rất quan trọng trong việc vận hành thị trường chứng khoán. Với kỳ vọng việc nâng hạng, hệ thống vận hành và các quy trình quản trị rủi ro của CTCK cần được tập trung chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu liên quan tới giao dịch.

Bên cạnh đó, các CTCK hay Ngân hàng lưu ký và thanh toán là thành viên quan trọng trong việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP.

(3) Với các doanh nghiệp niêm yết, cần hiểu rõ được các cơ hội cũng như thách thức có thể có trong quá trình nâng hạng thị trường. Ví dụ với quá trình điều chỉnh giới hạn sở hữu của NĐTNN, các doanh nghiệp có thể chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh để đề xuất nới giới hạn sở hữu.

Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, bao gồm các quy định về thị trường, thông tin của các sở giao dịch, VSD và thông tin về các doanh nghiệp, là rất cần thiết để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Kết luận: 
Nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi – là mục tiêu hướng đến của Chính Phủ, phải hoàn thành trước năm 2025. Việc biết về thời gian hay những nỗ lực của các thành viên tham gia thị trường đang làm, đang quyết tâm cao độ, Qúy Nhà đầu tư sẽ đánh giá được thực trạng và diễn biến của Sự kiện. 
Bên cạnh đó, hiểu được lợi ích của việc Nâng hạng – chính là triển vọng tươi sáng của chứng khoán Việt.

Theo dõi thêm bài viết về Chứng Khoán / List Video Youtube Stock